Mô phỏng lâm sàng: Ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn

Xử trí ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ Mô phỏng lâm sàng: Ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn

Trong thực hành lâm sàng, nhiều ca tai biến nghiêm trọng do gây tê đã bị chẩn đoán nhầm là sốc phản vệ. Trên thực tế, sốc phản vệ do thuốc tê rất hiếm, đặc biệt với các thuốc tê nhóm amino-amid đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Ngược lại, ngộ độc thuốc tê mới là nguyên nhân chính gây ra các tai biến đó.

Ngộ độc thuốc tê là biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sự an toàn của người bệnh, đồng thời là nỗi lo lớn đối với nhân viên y tế trong thực hành lâm sàng. Việc gây tê diễn ra ở nhiều chuyên khoa và tại nhiều vị trí khác nhau, nên nguy cơ ngộ độc có thể xuất hiện với bất kỳ loại thuốc tê nào. Nguy cơ này đặc biệt cao ở người già yếu, trẻ nhỏ, người bệnh có protein máu thấp hoặc khi gây tê tại những vùng giàu mạch máu như đầu mặt cổ, khoang miệng, mũi họng và tầng sinh môn. Đáng lưu ý, ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ có cách xử trí hoàn toàn khác nhau, trong khi diễn tiến lâm sàng lại rất nhanh, đòi hỏi chẩn đoán phải chính xác và kịp thời.

Trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng ứng phó nhanh trong các tình huống khẩn cấp, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với Liên chi hội Hen, Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng TP.HCM tổ chức khóa đào tạo “Xử trí ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ dựa trên mô phỏng lâm sàng”. Khóa học được triển khai theo Thông tư 32/2023/TT-BYT của Bộ Y tế và Kế hoạch số 574/KH-TĐHYKPNT, diễn ra vào ngày 20/04/2025.

Tham gia giảng dạy là các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, gây mê và mô phỏng lâm sàng, gồm:

  • TS.BS Bùi Thị Hạnh Duyên (Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM; Ủy viên Ban chấp hành Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc TP.HCM và Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM).
  • TS.BS.CKII Hoàng Quốc Thắng (Trưởng bộ môn Gây mê Hồi sức – Trường ĐHYKPNT; Phó khoa Gây mê Hồi sức – Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Gây mê Hồi sức TP.HCM).
  • TS.BS Nguyễn Ngọc Phương Thư (Trưởng trung tâm CECICS – ĐHYKPNT; Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM).

Ảnh 1-2: Học viên được hướng dẫn lý thuyết bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm

Khóa học hướng tới mục tiêu giúp học viên nhận biết sớm, chẩn đoán chính xác và xử trí hiệu quả các tình huống ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ. Trong cấp cứu, mỗi giây đều quý giá – và khóa học này chính là “thao trường” để các chiến binh áo trắng rèn luyện kỹ năng trước khi đối mặt với thực tiễn. Khi kiến thức được kết nối với trải nghiệm mô phỏng thực tế, sự tự tin và phản xạ đúng đắn sẽ trở thành hành trang vững chắc cho mọi học viên.

Ảnh 3-4: Học viên thực hành xử trí tình huống lâm sàng Ngộ độc thuốc tê và Sốc phản vệ

Ảnh 5: Ảnh tập thể Ban giảng huấn và học viên trong khóa đào tạo

Khóa học đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình không chỉ từ học viên tại TP.HCM mà còn từ các tỉnh lân cận. Thành công của chương trình không chỉ thể hiện qua kiến thức truyền đạt, mà còn ở sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi học viên khi trở về đơn vị công tác. Qua những tình huống mô phỏng sống động, học viên không chỉ rèn luyện kỹ năng xử trí sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê, mà còn học cách giữ bình tĩnh, đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác trong những thời khắc sinh tử. Đây chính là khởi đầu vững chắc cho hành trình nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới một nền y tế an toàn và nhân văn hơn.

You may also like